Truyện ngắn
Cầu
Đất
Ngày còn
nhỏ, đọc Quốc Văn Giáo Khoa Thư, tôi thích nhất những trang có hình vẻ
minh họa. Tôi nhớ mãi câu chuyện ở một trang có vẻ một ông khăn đóng áo dài
đen, ô cắp nách, đứng nói chuyện với mấy người nông dân ở trước cổng làng. Ông
nọ vừa đi chu du thiên hạ về. Những người hiếu kỳ ra đón và hỏi ông xem,
đã đi nhiều nơi, theo ông nơi nào đẹp nhất. Ông đáp: quê hương ta đẹp hơn cả.
Sau lần đất nước trở mình cuối thế kỷ 20, nhiều người
Việt bỏ xứ ra đi. Có người đi không tới. Có ngườ đi không về. Nhiều người không
có chỗ mà về. Thói thường, sau khi xem hát ra, dù có cao hứng long nhong đâu đó
một lúc, mọi người đều trở về nhà. Như con thú về hang, con chim về
tổ. Chỉ hai tiếng “về nhà” thôi cũng đủ làm lòng bao người bồi hồi xao
xuyến.
Ngày nọ, có môt thanh niên người Pháp đến Dalat, đưa
ra một tờ giấy có ghi một số nhà và tên một con đường bằng tiếng pháp: 16 Rue de
roses. Tôi nói tôi biết chỗ đó và tình nguyện làm hướng dẫn viên không
công. Anh ta mừng lắm, vì điều anh mơ ước đã sắp trở thành hiện thực.
Theo lời kể, anh đã dự định cho chuyến đi này lâu lắm
rồi, nhưng mãi đến nay mới thực hiện được. Và thật may mắn gặp được một người
dân địa phương hào hiệp và dễ mến như tôi. Anh nói nơi anh ở cũng vùng
núi, cảnh quang khí hậu cũng gần như Dalat. Do đó buổi sáng đầu tiên thức dậy
từ cửa sổ khách sạn nhìn ra ngoài trời, anh thấy mọi thứ nơi đây trông rất quen
thuộc. Mục đich duy nhất của anh đến Dalat là để tìm đến địa chỉ này. Anh
không phải khách du lịch. Tính tôi không hay tò mò nên nghe vậy biết vậy, tôi
không tìm hiểu mối quan hệ của anh ta và người chủ nhà ghi trong địa
chỉ. Tôi định bụng dẫn anh ta đến đó rồi chia tay.
Đi được chừng nữa con dốc, chúng tôi rẽ vào một con
đường nhỏ bên tay phải. Ngay đầu đường là một công trình kiến trúc lạ mắt.
Trong quyển GUIDE mấy ông tây ba-lô luôn cầm trên tay lúc đi ngoài đường,
nó tên là Crazy House. Chàng thanh niên đi cạnh tôi không để ý ngôi nhà lạ mắt
đó mà chỉ lo đảo mắt đọc số nhà hai bên đường. Con đường hẹp mà ngắn, nên đi
đến cuối đường rồi mà cậu ta vẫn chưa tìm ra ngôi nhà mình muốn đến. Đành đi
trở lại để quan sát cho kỹ một lần nữa.
Đứng tần ngần một lát, cậu nói:
- Có đúng đây là rue de roses không? Ông có nhầm
không? Hay là sau nầy người ta đổi tên rồi chăng?
Tôi trấn an người khách lạ
- Tôi từ nhỏ đến lớn vẩn ở đất nầy. Anh bạn cứ
tin tôi. Làm sao nhầm được. Bây giờ nó mang tên khác, nhưng đối với tôi, và
những người thế hệ tôi, nó mãi mãi vẫn là rue de roses.
Tôi hỏi:
- Xin lỗi, anh có thể cho tôi biết ngôi nhà anh
tìm trước kia là nhà của ai không? Anh quen họ như thế nào?
Bỗng mắt anh ta chớp nhanh và không kịp ngăn
giòng lệ tuôn trào, anh nói trong tiếng nấc:
- Đó là nhà tôi. Nhà ba má tôi.
Rồi khóc òa như một đứa trẻ
- Nhà tôi đâu rồi?
Chợt anh dụi mắt, bước tới sát cái hàng rào phủ đầy
bụi đường, lác đác mấy bụi tường vi, rồi la lên:
- Đây! Đúng rồi. Đúng là nhà này. Tuy không còn
bảng số, nhưng tôi vẫn nhận ra. Tôi có linh tính là đúng ngôi nhà này! Tôi còn
nhớ rõ cái cửa sổ kia. Buổi sáng ba tôi thường ngồi đọc sách với một tách cà
phê bốc khói. Mẹ tôi đặt phòng khách ở đó vì buổi sáng có nắng chiếu vào. Ngoài
vườn, cạnh cửa sổ có mấy luống hoa. Mẹ tôi thích nhất hoa hồng Hà Lan. Mỗi năm
nghỉ hè vể Pháp, mẹ tôi mua hat giống đem về đây trồng. Bà thường tưới hoa vào
buổi sáng, trước khi nắng lên cao. Đúng là ngôi nhà này. Nhà tôi đây rồi! Không
thể nhầm được.
Tôi muốn đưa cậu ta trở về thực tế:
- Nhà không còn số, đường chẳng còn tên, làm sao cậu
chắc là đúng?
Người khách lạ đáp một cách tự tin:
- Nhà ai cũng có nét riêng, chỉ người ở trong đó mới
biết, người ngoài không ai biết được. Vườn nhà tôi hồi đó đẹp và sạch,
không đầy cỏ dại, lá khô và ẩm mốc như thế. A, còn chỗ kia có cái xích
đu. Cái xích đu đâu rồi nhỉ? Hồi đó mới mua về còn nghe mùi sơn. Ba tôi
đặt nó dưới gốc cây cho mát. Buổi chiều tôi hay níu tay mẹ ra ngồi xích đu, bắt
mẹ đọc truyện cho tôi nghe. Giọng mẹ đọc nghe như giọng Sylvie Vartan
hát. Đầu óc bé bỏng của tôi nương theo lời mẹ kể mà tưởng tượng ra đủ mọi điều
thú vị, nên thơ. Có khi tôi vừa nghe vừa lơ đểnh nhìn theo mấy con bướm trắng
nhởn nhơ ngoài hàng dậu này đây, thấp thoáng trong nắng chiều vàng vọt.
Có khi tôi ngủ thiếp đi trên tay mẹ.
Nhà tôi đó! Đó là nơi tôi chào đời làm sao tôi quên
được! Nhìn kia, những bụi hồng dại trước cổng nhà! Chỗ sát bên bụi tre vàng kia
là cổng vào đấy. Dù bây giờ nó đã bít lại, tôi vẫn nhớ ra chỗ đó là cổng chính
vào nhà. Tôi thường không rời xa mẹ nữa bước. Mẹ đi đâu tôi theo
sát bên cạnh. Mẹ thường dừng lại trước cổng ngắt hoa đem vào đặt trên chếc đàn
piano. Mẹ tôi là một phụ nữ có tâm hồn nghệ sĩ nên bà muốn tạo cho mình một nơi
ở thật lãng mạn. Đâu đây trên đường đến thác Cam ly tôi nhớ hồi đó có một
ngôi biệt thự, trên vách mặt tiền có vẻ một khuông nhạc uốn lượn mang mấy nốt
nhạc do mi si la do re, hát lên thành câu domicile adoré như một lời ca ngợi
dành cho ngôi nhà yêu quí. Ai cũng muốn có một chỗ của riêng mình, đẹp và
khác hẳn nhà của thiên hạ. Có lẽ để dễ nhớ mà còn trở về. Cái cửa sổ đó, cái
xích đu đó, cái dậu hoa tường vi đó chính là nhà tôi.
- Ba cậu hồi đó làm gì ở Dalat? Tôi hỏi.
- Ba tôi là giáo sư dạy trường Lycee Yersin
Tôi giật mình, nhưng cũng kịp giữ bình tỉnh để nhìn
thẳng vào mắt người thanh niên .
- Dạy môn gi?
Lấy tay quẹt đoi mắt còn đỏ hoe, anh ta nhanh nhẩu:
- Ông dạy triết. Giáo sư Bugeos
Tôi như bị điện giật:
- Trời đất! giáo sư Bugeos chính là thầy tôi.
Vậy là
chúng tôi ôm chầm lấy nhau như hai anh em gặp lại nhau sau bao năm tháng lưu
lạc, ngay trước cổng ngôi nhà không quen biết. Trong vòng tay tôi lúc ấy
là một thân xác hoàn toàn xa lạ mà sao mắt tôi bỗng thấy cay cay và lòng
tôi tràn ngập một thứ tình cảm thật lạ lùng, rất thực mà rất khó
tả. Rồi anh buông tôi ra, lấy trong túi áo vét ra một chiếc máy ảnh
nhỏ đưa lên ngắm chụp ngôi nhà đổ nát vô chủ, rào dậu che khuất chẳng có
lối vào. Một ngôi nhà đã biến dạng trong tâm trí của anh.
Chúng tôi trở ra con đường cái. đi thêm một quảng đã
thấy núi đồi như xích gần lại. Cạnh ven hồ có nắng ấm và trên thảm cỏ xanh
ven hồ những chiếc ghế đá mời gọi. Xa xa dãy núi Langbian hiện rõ giữa
nền trời xanh trong. Bên kia ven hồ là sân gôn mới không thấy người chơi.
Chúng tôi ngồi bên nhau. Tôi bắt đầu kể cho anh ta nghe về những ngày xa xưa
đó. Đển lúc này tôi mới biết nhờ sự hiện hữu của người khác mà mình biết rõ hơn
về bản thân mình.
Những thay đổi của lịch sử và những lo toan cơm áo
hằng ngày thời gian sau này đã biến tôi thành con người lảnh cảm. Tôi
không còn muốn gặp lại bạn bè ngày trước. Tôi không thích nhắc lại những chuyện
của thời cắp sách. Những chuyện ngày xưa dù có êm đẹp đến đâu đem ra kể
lại trong thời buổi tất bật cơm áo này rồi ra cũng chỉ là những cung đàn
lạc điệu mà thôi. Tôi đã để cho ký ức chìm vào quên lãng, để tâm trí khỏi vướng
bận, để lòng tôi được thanh tịnh, bình an. Đầu óc tôi từ lâu như cái sọt
rác đã đỗ hết ra ngoài. Một cái giỏ trống không. Tôi tự bằng lòng về cái
triết lý sống mà tôi tự gán cho riêng mình. Chấp nhận làm đủ thứ công
việc, để khỏi chết đói, và để khỏi phải đi bằng đầu gối. Chỉ cái chuyện kiếm ăn
hằng ngày thôi cũng đủ mệt mõi, ê chề rồi. Thân xác đã rã rời thì
phải để cho tâm hồn thanh thản mới mong vượt qua được cơn bỉ cực.
Thế nên tôi đã chọn làm người vô tình, nhất định không thèm sân si, không thèm
thị phi. Trơ như tảng đá, như ông phổng trước cổng chùa, không ai thèm ngó tới.
Incognito.
Sự xuât hiện của chàng thanh niên nầy bỗng làm tôi như
tỉnh lại sau một giấc ngủ dài. Một cuộn phim cũ bắt đầu chiếu lại trên màn hình
ký ức trong tôi. Tôi thấy mấy cậu học trò nhỏ cửi xe đạp nối đuôi nhau chạy qua
hồ Grand Lac. Sương mù dày đặc, cách nhau mấy bước mà không thấy mặt nhau, chi
nghe tiếng nói, tiếng cười. Một chiếc xe buýt chạy qua, cả bọn nép sát vào
lề. Sương mai còn dày đặc, xe không thấy, chỉ thấy hai đốm đèn pha nhòe
trong sương lạnh và tiếng máy rầm rầm xé tan tỉnh mịch của núi rừng chưa
thức giấc. Đó là xe buýt của trường Lycee’. Một chiếc xe cao và dài. Thân xe vẽ
hai màu đỏ trắng chạy dài từ trước ra sau, ngày nào cũng đi về như con thoi
trên con đường chính của thành phố, đưa đón các cô chiêu con nhà quý tộc các
nơi đến Dalat học nội trú. Bọn con trai chúng tôi dù di bộ hay đi xe đạp,
lúc nào xe buýt chạy qua cũng phải nép vào lề và vác
mặt lên mà nhìn.
Những cậu học trò nhỏ chân còn ngắn mà ngày nào cũng
phải cong đít đẩy xe đạp lên dốc. Dốc địa Dư, Đốc Nhà Thờ, Dốc Chợ. Đốc
Pasteur, có con dốc dài thoai thoải, có dốc ngắn mà cao.
Đồi cù
thì cỏ rất cao. Có lần mấy đứa rủ nhau ra đó học bài. Vứt xe đạp dưới chân đồi,
mỗi đứa chọn một chỗ , tránh ngồi gần nhau để khỏi tán dóc, đùa giởn.
Tôi thả người rơi xuống nệm cỏ êm ái, nằm ngửa mặt lên trời. Trời xanh, mây
trắng lung linh. Dạo đó tôi cũng thích văn thơ, thích mơ mộng vẫn vơ khi học
bài Le Lac của Lamartine. Nằm lọt trong lùm cỏ cao như trong cái nhà không mái
ấy, tôi chỉ nghe thấy tiếng gió rì rào trên những cành thông. Mùi lá thông non
đầu mùa hăng hắc lan tỏa khắp nơi. Tôi bắt chuyện với thằng bạn nằm gần đó. Hai
đứa cứ nói cười dù không thấy mặt nhau. Trên trời mây lãng đãng trôi, và
sát gần mặt tôi hình như có chút nắng vàng rơi trên ngọn cỏ. Một lát sau tiếng
nói cười cũng ngừng bặt. Khi tôi thức dậy, dưới phố đã lên đèn. Một mình tôi
lửng thửng đi xuống chân đồi, dắt chiếc xe đạp ướt đẫm sương đêm ra ngoài đường
cái. Tối đó tôi phải thức khuya để học bài.
Nhắc đến Dalat là tôi nhớ ngay đến chiếc hồ nhỏ
xinh xắn nằm ngay giữa lòng thành phố. Mặt hồ thời thơ ấu của tôi dường như
chiều nào cũng phẳng lặng, trong xanh. Văng vẳng đâu đó như còn nghe cả giọng
ca ấm áp của Tôn thất Niệm trong bài Chiều vàng phát trên đài phát thanh Đà
Lạt. Trên đồi xanh chiều đã xuống dần, mặt trời lấp ló sau đồi chiều vàng….
Trong cái nền xanh của ký ức tuổi nhỏ, tôi còn giữ mãi hình ảnh một người phụ
nữ đứng tuổi mặc short và sơ mi trắng, chiếc bê rê đỏ đội lệch trên đầu. Buổi
chiều sau giờ dạy học bà thường ra đây bơi thuyền. Bà ngồi thẳng người, khoan
thai kéo đẩy mái chèo. Chiếc thuyền thể thao thon dài màu trắng lướt nhẹ trên
hồ nước xanh thẳm tạo nên một bức tranh vô cùng thơ mộng. Cô giáo tôi đó,
madame Marty.
Như những mảnh vụn, từng mảng hình ảnh xô đẩy nhau
hiện về trong tâm trí tôi. Không bức tranh nào đầy đủ, trọn vẹn. Chúng như
những cột mốc, những biển báo giúp tôi nhớ được đường về. Ước gì tôi có
tài phác thảo như Lưu trọng Lư, chỉ vài nét đã có trọn vẹn bức tranh với đầy
đủ sác đỏ lẫn màu xanh” . Ước gì tôi có một chút sâu sắc tinh tế của Đỗ
đình Liên để được ngậm ngùi cái mình đã mất, như mình đã từng ngày mất đi hình
bóng ông đồ già. Rồi nghĩ lại, tôi vẫn thích cái “không trọn vẹn, không đầy
đủ”. Sự thiếu thốn, mất mát mới bắt mình phải thèm, phải nhớ. Mới thấy quý cái
ít ỏi mình có. Trong tôi vẫn còn một chút lãng mạn của Lamartine, của
Baudelaire, của Dalat những đêm mưa một mình lang thang trên đường phố
vắng.
Và tôi đã
hiểu tại sao tất cả những con diều khi rời xa mặt đất, bay lơ lững giữa lưng
trời lộng gió đều quay đầu về một hướng. Cũng như chàng thanh niên con thầy
Bugeos, tôi như người đi xa lâu ngày. Hôm nay tôi phải về nhà.
Cầu Đất (dalat 2000)