Số lần được tham khảo: 179
NGƯỜI KHÁCH LẠ
Cầu Đất
Nơi tôi ở ngày xưa có những ngọn đồi đẹp như tranh vẽ.
Bạn có thể lên đồi bất cứ lúc nào. Có thể hôm đó là một buổi sáng nắng hồng,
một buổi chiều mưa bay rất nhẹ. Có thể là một đêm sương lạnh phải đi sát vào
nhau mới nghe tình còn ấm áp. Bạn có thể thả bước phiêu bồng trên đồi với
nụ cười trên môi, hay với nỗi cô đơn một mình gặm nhấm.
Người ta đi nhà thờ, đi chùa có thể vì thói quen hoặc để cầu xin Chúa Phật cho
mình những thứ ngoài tầm tay với. Người lên đồi chơi thường không ai bận tâm
tìm hiểu lý do.
Bé lên đồi để nghiêng đầu thổi những ngọn nến sinh nhật giữa chiều lộng gió.
Có người lên đồi để trả nợ hay khất lại một nụ hôn.
Có thể vì nhớ mùi hăng hắc của lá thông non khi rừng già thay lá.
Em lên đồi vì em trót hẹn với người chưa quen hay người không đến.
Có thể anh lên đồi vì ngày mai anh mãn khoá đi xa.
Cô bé có chiếc răng khểnh lên đồi vì mùa thi kề cận, sách lơ đảng trên tay vì
chợt nghe chiếc lá khô thở dài nấc nghẹn dưới chân mình.
Thầy giáo trẻ lên đồi đọc thiệp hồng của cô học trò yêu thầm chưa kịp
nói.
Cô dâu lên đồi xúng xính trong chiếc váy cưới mới mặc lần đầu.
Sáng lên đồi ngắm bướm vờn nhau giữa khung trời xanh biếc.
Chiều lên đồi nghe bầy chim ngái ngủ rộn rã một góc rừng.
Người ta lên đồi để bắt đầu.
Và, đôi khi, để kết thúc.
Để tìm cái thật mới hoặc những điều đã cũ.
Đất trên đó mềm như da thịt để bước chân em không chát chúa gót giày trên mặt
đá hoa cương.
Trong tỉnh lặng may ra còn tìm gặp được nhau.
Và biết đâu gặp lại chính mình.
Có người lên đồi vì một buổi chiều chợt thấy đời chênh vênh trống vắng.
Bạn
có thể lên đồi từ bất cứ hướng nào. Nơi đây bốn mùa hoa dại chực chờ nâng niu
bước chân lãng tử. Và thông ngàn vi vu khúc nhạc rừng du dương ngày đêm mời
gọi. Hãy âu yếm dìu nhau bước lên những triền đồi thoai thoải trước khi
nắng chiều lịm tắt sau đỉnh Langbian. Xin đừng quên những chiều hoang trên đồi
vắng, dù với ai hay chỉ một mình
Ở mãi dưới thấp có lẽ mau chán, người ta tìm lên chỗ cao để thấy trời đất khác
đi, để có cái nhìn mới hơn về cái thế gian cũ kỹ dưới chân mình. Lên đồi chơi.
Thanh thản. Không cần xô lấn, giành giật. Không phải xếp hàng. Trên đồi có đủ
gốc cây cho em tựa lưng mà nũng nịu. Có đủ thân cây để anh khắc trái tim
say đắm và hai chữ tắt ôm chặt lấy nhau. Như những người đang yêu thường cầm
tay nhau khi đi giữa phố. Cho khỏi lạc mất nhau trong đời. Ai cũng
có phần của mình: một bãi cỏ riêng, một khung trời riêng và cả cái quỷ thời
gian vô tận dành riêng cho từng người trên đó nữa.
Người ta lên đồi chơi và để lại dấu chân.
Những con đường mòn nói với bạn rằng tôi có đến, đã hiện diện, nhỡ có điểm
danh. Nếu một mai chúng biến mất, biết đâu như trong chuyện cổ tích, sẽ chẳng
còn ai nhận ra tôi nữa. Tôi rất sợ phải làm người xa lạ ngay chính trên
quê hương mình.
Đường tắt không hẳn là con đường ngắn nhất, vì đợi
chờ, nhớ nhung có thể rất dài. Và không nhất thiết cứ đi là phải
đến. Đôi khi chẳng có nơi để đến, chẳng có ai quen để vẫy tay chào. Biết
thế mà vẫn vội. Vì vội nên ngừơi ta phải đi đường tắt. Họ mượn đường tắt làm
cái cớ để đi đâu đó. Và tất cả đều phải lên đồi trước khi đi về một nơi nào.
Con đường mòn đầy hoa bướm ôm bàn chân nhỏ tung tăng đến trường. Con
đường mòn gập ghềnh đỡ bàn chân lạnh ngắt của mẹ già cõng gánh rau nặng
trĩu trên đường ra chợ sớm. Con đường mòn lên chùa. Con đường mòn xuống
phố. Con đường mòn một mình thơ thẩn, bâng khuâng.
Ký ức đẹp vì ký ức không bị đặt tên, đánh số. Đường mòn không tên, không
số, nhưng từ lâu rồi, chưa có ai đi lạc. Mỗi người thuộc nằm lòng con đường
mình vẫn đi. Cư dân nơi đây ai cũng có con đường mòn của riêng mình. Nếu không
thấy bóng người trên đồi bạn hãy cứ tin rằng đang có hai người tình tự.
Có những điều rất thực vẫn hiện hữu quanh ta, nhưng không ai thấy được. Như
Tình Yêu. Như tiếng chuông chùa.
Thương và tôi ở cách nhau chín ngọn đồi,
nhưng mỗi khi đến chỗ hẹn hò, mỗi đứa chỉ phải đi nửa quãng đường giữa
hai đầu nỗi nhớ. Hằng ngày tôi phải đi băng qua mấy ngọn đồi xanh mướt để đến
trường. Học chung trường nhưng khác lớp nên mỗi tuần hai đứa chỉ gặp nhau vài
lần để được đi bên nhau một quảng đường tình tự. Thường tôi dắt chiếc xe đạp
đuya ra màu nhủ bạc xuống chân đồi ra ngoài đường nhựa để cô đi tiếp vào
trường. Tuy học trường Tây nhưng lúc nào Thương cũng dịu dàng trong chiếc áo
dài trắng và đôi guốc gỗ vông giản dị. Lúc đầu tôi xem Thương như cô em gái bé
bỏng nhưng con tim tôi không muốn tôi phải tự dối lòng. Tôi nâng niu mối tình
đầu như một chiếc lọ pha lê dễ vỡ. Ngày thấy tên mình trên danh sách thí sinh
đậu Bacc 2, tôi buồn nhiều hơn vui. Tôi hẹn Thương lên đồi và âu yếm hôn những
giọt lệ buồn trên bờ môi run rẫy.Tôi ra đi mang theo trong tim hình bóng
cô gái Huế trầm lặng và mối tình thầm kín đầu đời. Nhưng một ngày kia, lúc sự
nghiệp còn dở dang bỗng cơn địa chấn nào đã hất tôi ra thật xa, lưu lạc
đến những chân trời xa lạ.
Trên chuyến xe đêm về Đà Lạt lòng tôi nôn nao khó tả. Hành khách trên xe mọi
người đã yên giấc. Một mình tôi còn thao thức như tôi đã bao năm thao thức mong
một ngày trở lại. Tôi mong xe mau đến nơi. Tôi mong trời mau sáng. Tôi sẽ đến
quỳ bên mộ Thương. Chắc tôi sẽ khóc và khóc nhiều. Thương ơi, anh chỉ yêu
một minh em. Em là Đà Lạt. Đà Lạt là em. Những ngày vắng anh, em một mình lang
thang trên đồi vắng, héo hon chờ đợi. Cho đến một ngày xuất hiện những
cột bê tông, những vòng dây kẻm gai ngăn đường cản lối. Không còn chỗ để đi, em
ra ngồi ở cái ghế đá lạnh lẽo bên kia hồ, nhìn qua bên đồi nhớ nhung vời
vợi. Em đã biết có điều gì khác lạ vừa mới xãy ra nơi đây. Cái vòng rào người
ta vừa mới dựng lên là dấu hiệu của sự chiếm hữu. Cái cổng và người gác
cổng sừng sửng kia là để bảo vệ sự riêng tư. Những con đường mòn kỷ niệm đã bị
cày xới, vùi chôn. Em ngồi im như tượng đá. Rồi một ngày tượng đá không còn nhớ
gì nữa. Em gọi tên anh giữa dòng người xa lạ. Tiếng em cười điên dại không
thoát ra khỏi bốn bức tường lạnh lẽo cô đơn. Bạn bè không ai thăm hỏi. Những bó
hoa gửi đến em không ai buồn nhận. Mình vẫn chờ nhau đến khi tóc mây bạc hết
mái đầu.
***
Chiếc xe du lịch từ từ dừng lại bên đường. Tôi bước xuống xe, đứng bên bờ cỏ.
Từ đây tôi có thể nhìn bao quát thành phố một lần cuối, trước khi ra đi. Những
ngọn đồi đẹp như tranh vẽ ngãy xưa nay đã biến mất như trong truyện thần
thoại. Vị vua cuối cùng triều Nguyễn đã chọn nơi đó làm sân chơi đánh cù,
nên người dân quen gọi nó là đồi Cù. Vua không cho xây tường, dựng rào dành đồi
cù cho riêng mình. Nhà vua và thần dân cùng chơi chung. Mọi người, già trẻ,
sang hèn đều có quyền lên đồi chơi. Sau đó, chẳng bao lâu nhà vua nhường
chỗ chơi đó cho thần dân của ngài. Chuyện chưa đầy trăm năm mà nghe như
chuyện cổ tích. Chuyện có thật không thêu dệt mà đẹp như chuyện thần tiên.
Trước mắt tôi, xa xa bên kia hồ là những mô đất thiết kế gượng gạo theo một
bảng vẽ vô hồn, trông như những nấm mộ mới đắp lên, tròn trĩnh. Lớp cỏ nhân tạo
trãi lên mặt đất một màu xanh bệnh hoạn, chẳng khác lớp son phấn nồng nặc trát
lên mặt cô người mẫu trơ trơ đôi mắt cá ươn. Cái vòng rào dây kẽm gai oan
nghiệt và những hàng thông non mọc lên vội vàng vây bủa, biến những ngọn đồi
tình tự ngày xưa thành một nghĩa trang âm u lạnh lẽo. Mọi thứ ở đây
đều đã khác đi, vô cùng lạ lẫm.
Ngày xưa, một lần tôi bị trộm mất chiếc máy ảnh quý, mấy ngày liền tiếc đứt
ruột, ăn ngủ không yên. Rồi khi cô em gái cưng của tôi, tuổi còn xuân xanh, không
may bị tai nạn lìa đời, tôi khóc không còn nước mắt. Bây giờ đối diện với những
ngọn đồi ký ức đã mất, tôi mới nghiệm ra một điều chân lý. Thì ra khi mình mất
mát một vật quý, một người thân, mình còn biết nuối tiếc, đau buồn. Nhưng
khi mình mất tất cả, con tim mình bỗng dưng tê cứng, con người mình trở thành
điên dại. Người điên thì không biết buồn. Tôi đã hiểu tại sao bây giờ đứng đây
ngắm nhìn cảnh cũ mà lòng tôi cứ dửng dưng nguội lạnh, chẳng còn mảy may rung
động, buồn vui.
Thôi nhé, xin chào thành phố thân thương. Giờ đây tôi chỉ là người khách lạ.
Tôi phải ra đi, dù tôi biết chẳng còn nơi nào yêu dấu hơn để mà tìm đến.
Cầu Đất